Những người thầy trong tim tôi
Có lẽ mỗi chúng ta đều có những người thầy đáng kính của mình để nhớ đến. Với tôi – Bác sĩ Hà gần 40 năm hoạt động trong ngành y đã tiếp xúc với rất nhiều người, đặc biệt là những người thầy, người cô. Họ cho tôi sự nhiệt huyết, đam mê với y học cổ truyền, cũng như dạy tôi về kiến thức chuyên môn giúp tôi có những bước đi vững chắc và đầy ý nghĩa trong sự nghiệp chữa bệnh cứu người như ngày hôm nay.
Gia đình là nơi chúng ta được sinh ra và nhà trường là nơi chúng ta có kiến thức, dạy dỗ ta nên người. Ở bất cứ môi trường nào tôi tin chắc bạn cũng sẽ có được những người thầy, người cô đáng kính, cũng như những đồng nghiệp tốt của mình.
Một điều tất yếu đó là chúng ta muốn thành công chúng ta cần phải rèn luyện, học tập một cách nghiêm túc và đàng hoàng. Dân gian ta có câu “không thầy đố mày làm nên” đây là câu tục ngữ nói lên vai trò quan trọng của người thầy, người cô trong công tác giáo dục, và nhắc nhở con cháu phải biết ơn và kính trọng thầy cô.
Trước khi trở thành một bác sĩ như bây giờ, một vị bác sĩ làm trong chuyên khoa phụ được nhiều người biết đến – Bác sĩ Hà tôi cũng là một cô gái bình thường.
Khi còn nhỏ, tôi còn không nghĩ cũng không tưởng tượng sau này mình sẽ trở thành một bác sĩ. Thế nhưng, bước ngoặt cuộc đời cũng như số phận đã “cướp” người bố thân yêu của tôi ra đi mãi mãi bởi căn bệnh ung thư gan vào năm tôi chỉ mới 16 tuổi.
Lúc đó, điều duy nhất cứ ám ảnh trong đầu tôi đó chính là trở thành bác sĩ cứu người. Tôi không muốn những người thân của tôi phải sống trong bệnh tật cũng như mong muốn hững người khác trong xã hội có được một cuộc sống không bệnh tật.
Rồi cuộc sống của tôi cứ thế trôi qua, tôi trở thành cô sinh viên của trường Đại học Y Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, tôi được trường phân vào chuyên khoa Phụ của Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương công tác.
Trong suốt khoảng thời gian dài đó tôi đã được chỉ dạy, định hướng bởi những người thầy, người cô đáng kính. Họ dạy cho tôi kiến thức, hiểu sâu về y lý, y thuật cả Tây y, Đông y – 2 nền y học cơ bản hiện nay.
Nếu tôi không được những người thầy, người cô hướng dẫn, dìu dắt thì chưa chắc đã có tôi như bây giờ. Chắc chắn cũng sẽ không có nhiều người biết đến tôi với vai trò là bác sĩ chữa bệnh phụ khoa, chữa vô sinh, hiếm muộn cho chị em phụ nữ. Không nhờ thầy cô chắc cũng sẽ không có một bác sĩ Hà gắn bó với Đông y, Y học Cổ truyền lâu đến vậy.
Có thể nói bạn và tôi sẽ không thể trưởng thành, thành đạt nếu thiếu đi sự dạy dỗ, truyền đạt kiến thức từ những người thầy cô đáng kính.
Những người thầy trong tim tôi
Tôi cảm thấy rất may mắn vì con đường làm nghề của tôi cũng trải qua rất nhiều những khó khăn và thăng trầm nhưng từ những bước đi đầu tiên tôi luôn có những người thầy, người cô động viên và chỉ dạy rất nhiều.
Không chỉ có những người thầy chỉ dạy cho tôi trên giảng đường mà còn có những người bạn đồng nghiệp, bậc tiền bối, bệnh nhân… cũng là những người “thầy” có sức ảnh hưởng đối với tôi.
Họ giúp tôi củng cố kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm trong khám và điều trị cũng dạy cho tôi về cách đối nhân xử thế, cách đồng cảm đối với người khác, đặc biệt là chị em phụ nữ.
Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm
Người thầy và cũng là đồng nghiệp có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến nghề Y mà tôi rất biết ơn đó chính là Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm – Là Trưởng khoa Phụ Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương, thời mà tôi được phân về công tác tại Bệnh viện YHCT Trung Ương. Bác sĩ Ngọc Lâm có chuyên môn rất giỏi đặc biệt về chữa vô sinh hiếm muộn, là niềm tự hào của Bệnh viện YHCT Trung ương. Tôi thực sự rất may mắn khi được bác sĩ Ngọc Lâm dìu dắt, truyền kinh nghiệm.
Như tôi đã nói rất nhiều lần mỗi khi có ai hỏi tôi về việc mình có thích chuyên khoa phụ không tôi đều nói hồi đầu tôi không thích, không yêu. Bởi lẽ, sau khi chứng kiến cái chết của bố vì căn bệnh ung thư gan thì mong muốn của tôi là chữa bệnh cứu người, còn chữa bệnh phụ khoa thì nó không phải là điều tôi hằng mong muốn trở thành.
Tôi đến với phụ khoa là vì được phân công chứ không phải là do tôi lựa chọn. Thời gian đầu khi mới được phân về Khoa Phụ tôi cảm thấy hụt hẫng.
Tuy nhiên, người đầu tiên giúp tôi nhận ra rằng suy nghĩ đó của tôi đã sai đó chính là cô Ngọc Lâm (Bác sĩ Nguyễn Ngọc Lâm). Cô đã động viên, quan tâm và giải thích cho tôi rất nhiều về lĩnh vực tôi đang theo làm.
Mặt khác, tôi cùng cô Ngọc Lâm và các bậc tiền bối đi trước tiếp xúc cũng như chứng kiến các bệnh nhân của mình có chuyển biến tốt thì tôi nhận ra công việc mình đang làm cũng rất ý nghĩa.
Tôi còn nhớ, bệnh nhân đầu tiên do tôi thăm khám và điều trị đó là bạn Đặng Thị Dung ở Thanh Hóa bị mắc viêm phần phụ mãn. Do bị chẩn đoán nhầm thành viêm đại tràng nên tình trạng bệnh của Dung khi đến gặp tôi khá nghiêm trọng.
Sau hơn một tháng điều trị với bài thuốc Thanh – Thấp – Nhiệt – Hạ – Tiêu giúp tiêu viêm cùng các vị thuốc giúp kiện tỳ, bổ thận tình trạng bệnh của Dung đã hoàn toàn khỏe mạnh. Do hai vợ chồng mong ngóng có đứa con nên tôi cũng đã kê cho Dung thuốc dễ đậu thai. Chỉ sau một liệu trình điều trị đầu tiên em đã báo với tôi tin vui đã mang thai, chuẩn bị chào đón thêm thành viên mới trong gia đình.
Khi nghe tin của em tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc như chính hạnh phúc của mình vậy. Lúc đó tôi mới hiểu ra được một điều cho đến bây giờ tôi chẳng thể nào quên đó chính là đâu phải cứ cứu người mới là việc làm cao cả. Mà làm cho các chị em phụ nữ khỏe mạnh, hạnh phúc cũng khiến cho tôi hạnh phúc và tự hào.
Giáo sư, bác sĩ Hoàng Bảo Châu
Năm 1995, tôi làm việc tại Bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương và đang thực hiện chương trình thạc sĩ tại Việt Nam thì tôi được cử đi học Thạc sĩ Trung y dược tại Quảng Châu, Trung Quốc. Giáo sư, bác sĩ Hoàng Bảo Châu khi đó là Viện trưởng Viện Y học Cổ Truyền Việt Nam.
Là 1 trong 2 người đại diện được Nhà nước cử đi học nên tôi cảm thấy rất vinh dự. Đó sẽ là cơ hội để tôi tích lũy thêm kiến thức, đặc biệt là tiếp xúc với nền y học Trung y tại Trung Hoa.
Được đi học tại Trung Quốc là một cơ hội nhưng cũng là thách thức đối với tôi vì con tôi còn khá nhỏ, con trai lớn chỉ mới 11 tuổi, con gái nhỏ chỉ 3 tuổi. Đó là khoảng thời gian mà con cần tôi nhất nhưng tôi lại không ở bên chăm sóc. Một năm tôi chỉ được về thăm nhà 1 đến 2 lần thường là vào dịp Tết và hè.
Kết thúc năm đầu tiên của chương trình học thạc sĩ bên Quảng Châu tôi đã có ý định bỏ cuộc, chỉ muốn về nhà được bên chồng con, bên gia đình. Chính Giáo sư, bác sĩ Hoàng Bảo Châu là người động viên tôi hãy tiếp tục.
Vị tiền bối, người thầy với kinh nghiệm cũng như có cái nhìn sâu rộng khuyên tôi hãy suy nghĩ về những việc tôi làm được sau khi hoàn thành xong chương trình thạc sĩ này.
Và kết quả, sau khi được bác sĩ Hoàng Bảo Châu cùng gia đình động viên tôi đã vững chí học tập và hoàn thành xong chương trình học thạc sĩ vào năm 1999.
Nhờ 4 năm học bên Quảng Châu tôi lại càng thêm yêu về nền y học Đông y, có những nghiên cứu khoa học, ứng dụng cách khám và điều trị bệnh cho các chị em phụ nữ sau này.
Thầy thuốc Ưu tú, bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Phong
Một trong 3 người thầy có sức ảnh hưởng lớn đối với tôi là Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Nguyễn Thị Thu Phong – Nguyên trưởng khoa Phụ Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương.
Cô Phong là một người thẳng tính, sống tình cảm, chuyên môn rất tốt, đặc biệt là về lĩnh vực Đông y. Trước đây cô Nguyễn Thị Thu Phong đã có thời gian dài học tập, đào tạo bài bản bên Trung Quốc nên kiến thức rất vững. Cô cùng với cô Ngọc Lâm là người dẫn dắt tôi những ngày đầu vào nghề.
Tôi cảm thấy may mắn vì trong thời gian công tác tại bệnh viện cô Thu Phong chia sẻ những kiến thức về chuyên môn, kinh nghiệm về điều trị cũng như các bài thuốc Đông y chữa bệnh phụ khoa. Có bao nhiêu kinh nghiệm cô đều chia sẻ cho chúng tôi để việc khám chữa tốt và hiệu quả hơn.
Hay như các thầy ở bên Quảng Châu, Trung Quốc thời gian tôi học thạc sĩ đó là thầy Liêu, thầy Hoàng… các thầy đều sống rất tình cảm, luôn giúp đỡ chúng tôi khi khó khăn, coi chúng tôi như người nhà và không hề có sự phân biệt đối xử nào hết. Điều này làm tôi thấy ấm lòng và hạnh phúc khi học tập tại một nơi đất khách quê người.
Trong hành trình chúng ta đi, hành trình chúng ta làm việc luôn có những người thầy chỉ dạy. Có những người đến bên và đồng hành cùng ta, cũng có người chỉ là tiếp xúc một thời gian ngắn nhưng cũng đủ giúp ta có những bài học, những lời động viên chân thành nhất.
Tôi thực sự vô cùng biết ơn đến các thầy, các cô đã truyền lửa, truyền nhiệt huyết, động viên tôi, giúp tôi nhận ra nghề y là nghề thiêng liêng, cao cả dù làm trong bất cứ chuyên khoa nào.
Nhờ họ mà tôi thêm yêu Đông y, yêu sản phụ khoa và tìm hiểu, nghiên cứu nhiều hơn để giúp các chị em thoát khỏi ám ảnh của bệnh thầm kín, có được một sức khỏe tốt và giúp cho nhiều gia đình hạnh phúc đón đứa con mà họ hằng ao ước.
Giờ đây khi đã ở tuổi lục tuần, đã nghỉ hưu, con cái lớn khôn nhưng tôi vẫn không nghỉ làm, muốn gắn bó lâu hơn khi còn có thể với nền Y học cổ truyền. Bên cạnh đó tôi cũng truyền đạt những kiến thức, kinh nghiệm của tôi cho các bạn trẻ, không hề ngần ngại hay giấu nghề. Bởi tôi nghĩ rằng, càng có nhiều bác sĩ chuyên môn cao, có tâm sẽ càng giúp đỡ được các chị em nhiều hơn.
Lời cuối tôi rất muốn nói lời cảm ơn từ tận đáy lòng đến tất cả những người thầy, người đồng nghiệp đã luôn bên cạnh tôi những lúc khó khăn, những lúc tôi nao núng.
Tôi – bác sĩ Hà có ngày hôm nay là nhờ lời động viên, chỉ dạy của những người thầy tuyệt vời. Với cương vị là một bác sĩ cũng như là một người phụ nữ tôi sẽ tiếp tục cống hiến cho nền Y học cổ truyền và chăm sóc sức khỏe của chị em phụ nữ bằng cái tâm của mình.
Ngày đăng: 22/08/2019 - Cập nhật lúc: 9:40 PM , 23/08/2019
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!