Bố mẹ: Những người cho tôi hơn cả một cuộc đời
Trong suốt 60 năm cuộc đời, mặc dù đã làm vợ, làm mẹ, làm bà nhưng đến giờ, mỗi khi nghĩ đến bố mẹ, niềm kính yêu trong tôi vẫn luôn tròn đầy và mãnh liệt. Nhiều lúc, nhớ về công ơn sinh thành, những kỷ niệm khó quên với bố, những lời dạy sâu sắc của mẹ tôi vẫn rưng rưng nước mắt.
Xem thêm: Bác sĩ Thanh Hà – người trao hạnh phúc cho hàng nghìn phụ nữ Việt
Mỗi sáng thức dậy, được vui đùa bên con cháu, được cống hiến, làm việc cứu người tôi cảm thấy cuộc đời mình thật bình yên và ý nghĩa. Dù cuộc sống không phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ dàng nhưng tựu chung lại tôi thấy hài lòng với cuộc sống này, bình dị, giản đơn, không bon chen cầu kỳ, sống xứng đáng với bản thân, với công ơn cha mẹ đã dày công dạy dỗ.
Một ngày chủ nhật bình yên, tôi dành thời gian nghỉ ngơi ở nhà, quây quần bên con cháu. Ăn trưa xong, cả nhà ngồi nghỉ ngơi ở phòng khách và cùng nhau xem ti vi, ăn trái cây. Chương trình TV hôm nay có phát phim tài liệu về thời bao cấp, thước phim trắng đen cùng những hình ảnh mang đến cho những người sống ở thời ấy như tôi bao nhiêu cảm xúc, bao nhiêu ký ức sống động. Thế rồi, trôi theo dòng ký ức và những thước phim, tôi kể lại cho cả nhà nghe những câu chuyện về gia đình ngày ấy.
Niềm hạnh phúc lớn nhất của cha mẹ là nhìn con mình hạnh phúc, trưởng thành
Bố mẹ tôi là điển hình của mẫu người giản dị và hiền hòa. Mẹ tôi là người Hà Nội, một nhân viên bình thường làm việc tại công ty Vật tư Nông nghiệp Hà Nội. Bố tôi quê ở Bình Định, trước là học sinh trong Nam, sau đó tham gia chiến dịch biên giới rồi ra Hà Nội học. Ông học tập tại trường Đại học Bách khoa, tốt nghiệp ra trường thì được cử vào làm việc ở Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Vì đều là công chức nhà nước nên đồng lương cũng tạm đủ sống, tuy vậy cha mẹ luôn tần tảo chắt chiu để chúng tôi có thể ăn học nên người.
Bố mẹ tôi thường dạy: “Việc học là quan trọng nhất, chỉ có học hành nên người thì cuộc sống mới khá được”. Tâm nguyện lớn nhất của bố mẹ cũng chính là được thấy chúng tôi được hạnh phúc trưởng thành. Bởi vậy, dù công việc có bận rộn đến đâu, cuộc sống bên ngoài có bon chen thế nào đi nữa cha mẹ vẫn dành mọi khoảng thời gian có thể để kèm cặp chúng tôi học tập, tạo điều kiện để các con phấn đấu mỗi ngày.
Cũng bởi vậy mà dù bố mất sớm, cả tôi, anh trai và hai cô em gái đều luôn cố gắng học hành, đạt thành tích tốt để không phụ lòng mong mỏi. Chúng tôi hoàn thành các cấp học, anh trai vào Đại học Xây dựng, tôi học Y, hai cô em gái một người học Thương mại, một người học Giao thông vận tải. Với bố mẹ tôi, việc các con học hành đỗ đạt là niềm vui lớn nhất, niềm tự hào lớn nhất.
Dạy con làm người là điều mà bố mẹ tôi luôn hướng đến
Về cách đối nhân xử thế, tôi cũng được thừa hưởng từ bố mẹ rất nhiều. Quan điểm sống của mẹ tôi và cũng là lời dạy mà mẹ hay nói với tôi nhất: “Phúc đức tại mẫu.” Mẹ tôi thường bảo, cuộc đời có nhân quả, sống ở trên đời tích đức cho con cháu thì sau này thế hệ sau noi theo, cuộc sống sẽ cứ thế mà tốt lên. Mẹ tôi sống giản dị, bình lặng, hiền hòa, là người phụ nữ chịu thương chịu khó, hết lòng vì chồng vì con. Tới giờ, thỉnh thoảng có người khen tôi chăm chồng, chăm con khéo, tôi vẫn luôn nghĩ trong lòng mình chưa bằng được một phần của mẹ.
Bố tôi thì lại mang chút nghiêm khắc trong việc dạy dỗ con cái. Tuy vậy, ông cũng rất tâm lý. Bố tôi sống độc lập từ nhỏ, nên ông không bao giờ bị ảnh hưởng bởi những điều cổ hủ như những người cha khác ở thời điểm đó. Ông luôn ủng hộ mọi sự lựa chọn của chúng tôi, chỉ cần đó là điều đúng đắn, không trái luân thường đạo lý. Ông luôn coi việc học đạo đức, đạo làm người phải được đặt lên hàng đầu, trong mọi việc thì phải có thái độ tốt rồi mới đến trình độ. Đó là một lối sống khá mới, khá tiên tiến trong xã hội thời bấy giờ.
Với những sự lựa chọn của con cái, bố mẹ tôi luôn nhìn nhận theo quan điểm độc lập. Nghĩa là chỉ cần các con thích, cảm thấy vui vẻ, thoải mái mà không có gì tắc trách hay sai trái, bố mẹ tôi sẽ luôn ủng hộ. Trong cuộc đời của tôi, mỗi một quyết định, mỗi một sự lựa chọn của tôi, từ việc học trường đại học nào, lấy chồng, sự nghiệp ra sao đều nhận được sự ủng hộ của gia đình. Đó cũng là điều tôi cảm thấy mình may mắn vì luôn được thoải mái làm những điều mình muốn, mình yêu mà vẫn nhận được sự đồng thuận từ những người thân.
Bốn anh chị em trong gia đình tôi, ai cũng có tính độc lập và luôn biết tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau. Gia đình tôi đã xây dựng được nếp sống chăm chỉ, chịu khó, độc lập ấy từ thời bố mẹ đến giờ, mỗi gia đình anh chị em chúng tôi đều noi theo để dạy con cháu.
Kỷ niệm thời thơ ấu in sâu trong ký ức tôi
Thời gian cùng anh trai và các em đi sơ tán – khoảng thời gian tôi chẳng thể nào quên
Những hình ảnh trên TV dần trở lại, trước mắt tôi là cảnh những đứa trẻ mắt ướt nhòe, chia tay bố mẹ ở trại sơ tán. Những cái ôm, những bàn tay nhỏ nhắn vươn ra níu lấy vạt áo cha mẹ lại đưa tôi trở về những ngày tháng ấu thơ, khi tôi mới chỉ là đứa bé 5, 6 tuổi.
Thời kỳ 1965, ở các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, hàng trăm nghìn trẻ em được đưa đi sơ tán. Xa gia đình, xa bố mẹ ngay trong thời chiến, những đứa trẻ như chúng tôi buộc phải biết cách tự sinh tồn, độc lập, tự chăm sóc bản thân và chăm sóc lẫn nhau. Tôi còn nhớ, thời gian đó anh em chúng tôi được sắp xếp đưa vào trại theo cơ quan của mẹ ở Đan Phượng. Ở đó, họ chỉ nấu cơm cho ăn còn mọi sinh hoạt, lũ trẻ đều phải tự lo lấy.
Hồi ấy, tôi và anh cả là hai người con lớn nhất nên trách nhiệm cũng nhiều nhất, phải chăm lo cho bản thân và hai em. Với một đứa bé 5, 6 tuổi thì việc xa nhà, nhớ nhà, nhớ bố mẹ da diết là chuyện rất đỗi bình thường. Tôi chỉ biết khóc. Thật may mắn, anh trai tôi khi ấy đã hiểu biết và trưởng thành hơn, anh luôn ở bên động viên, pha trò vui để tôi quên đi nỗi buồn xa bố mẹ.
Trong giai đoạn ấy, chúng tôi phải đi sơ tán rất nhiều đợt, hầu như là liên tục (từ những năm 1965-1966, 1966-1967, 1967-1968, 1968-1972). Thử hình dung những đứa trẻ chưa lớn thường xuyên không được ở gần bố mẹ sẽ như thế nào? Trẻ con bây giờ, xa vòng tay bố mẹ mới 1 ngày là đòi, là khóc. Vậy mà với chúng tôi, việc đó dần dần đã trở thành điều bình thường, phải cố mà chịu đựng. Anh em chúng tôi được bố mẹ rèn cho tính độc lập từ nhỏ nên mọi việc, mọi sinh hoạt trong trại đều tự lo được hết mà không gặp nhiều khó khăn.
Hồi ấy tôi nhớ mãi không quên, cái cảm giác được bố mẹ lên thăm, đưa đồ nó hạnh phúc đến vỡ òa nhường nào. Những hình ảnh ấy, hình ảnh anh em tôi đứng trên đê, nhìn từ xa thấy bóng dáng bố mẹ thì vội chạy nhào đến, vấp ngã cũng không đau, chỉ muốn chạy thật nhanh sà vào lòng bố mẹ. Những món quà bình dị như: lạc rang, bắp ngô, củ sắn, chiếc áo, tấm chăn… bố mẹ mang cho mà cả lũ cứ ríu rít tranh giành. Đến lúc chia tay thì mấy đứa lại níu vạt áo, ôm bố mẹ mãi không rời, nước mắt nước mũi tèm lem. Những lúc như vậy, anh trai tôi lại phải nuốt nước mắt dỗ dành các em để cho bố mẹ về. Giờ nghĩ lại, nước mắt vẫn lưng tròng. Đó là những khoảnh khắc, những kỉ niệm đáng nhớ nhất thời thơ ấu của tôi về bố mẹ.
Bố mẹ tôi, những con người hiền hòa và có chừng mực
Con gái tôi chăm chú xem bộ phim tài liệu, khen con người thời ấy sao mà giản dị quá, hiền hòa quá, sống với nhau không chút ganh ghét, đố kỵ. Con gái quay sang hỏi tôi: “Mẹ ơi, ông bà ngoại ngày xưa có hiền, có dễ tính, được lòng mọi người không ạ?”
Về bố mẹ tôi, tôi vẫn luôn tự hào vì mọi người xung quanh, từ hàng xóm láng giềng đến họ hàng gần xa đều nhận xét rằng bố mẹ tôi là những người sống đúng mực, hòa đồng, tốt bụng với mọi người.
Với hàng xóm láng giềng, bố mẹ tôi tuy cũng không khá giả nhiều nhưng luôn giúp đỡ, hỗ trợ nếu có thể. Tôi còn nhớ, có bác hàng xóm hoàn cảnh khó khăn, nhà chỉ có hai mẹ con. Mẹ bác ấy có đợt bị ốm nặng mà đến ít thịt nấu cháo cũng không mua nổi. Bố tôi thấy thương, một lần đi mua thịt thì chia cho nhà bác ấy hơn một nửa túi. Bác ấy cứ sang nhà cảm ơn rối rít mà bố tôi nói: “Đây là tôi biếu cụ, mong cụ sớm khỏe. Cụ và anh cũng là chỗ hàng xóm láng giềng, tối lửa tắt đèn có nhau, có ít thịt mà phải tính toán làm gì cho nặng lòng.”
Còn đối với hai bên nội ngoại, họ hàng. Cả bố và mẹ tôi cũng đều được mọi người đánh giá cao về cách ứng xử. Về phía mẹ tôi, vì sau khi kết hôn, bố mẹ chồng ở trong Bình Định, chia cắt hai miền Nam – Bắc nên không có điều kiện sống chung. Tuy nhiên, mẹ vẫn luôn nhớ đến, thường xuyên thư từ hỏi thăm sức khỏe mọi người ở nhà chồng để nắm được việc nhà từ nhỏ đến lớn.
Bố tôi sống cùng mẹ ở Hà Nội nên có dịp qua lại với nhà vợ nhiều, là mẫu đàn ông tuyệt vời. Với gia đình vợ, bố tôi luôn sẵn sàng đứng ra cáng đáng mọi việc, giúp đỡ mọi người. Đến độ sau này, khi tôi đã về nhà chồng, mọi người vẫn thường nói: “Cố gắng mà noi gương bố, đối xử với nhà chồng như vậy thì người ta chẳng chê trách được điều gì. Cứ sống hết lòng, thật tâm rồi thì ngày nào cũng bình yên, thanh thản”.
Đến giờ, khi anh em chúng tôi đã có gia đình riêng, ai cũng đều lấy bố mẹ làm gương để học cách ứng xử nên tất cả đều hòa thuận và sống với nhau rất chân thành, tình cảm.
Nhưng cuộc sống mà, những người mà ta yêu quý cũng chẳng thể nào ở bên chúng ta đến hết cuộc đời. Năm tôi 16 tuổi, bố tôi qua đời vì ung thư gan. Bố tôi qua đời là một mất mát lớn với cả gia đình. Ngày bố mất, tôi khóc không biết bao lâu. Cứ nghĩ lại những kỷ niệm được bố chở về nhà trên chiếc xe đạp, với tay lau những giọt mồ hôi trên trán bố, được bố hỏi han hôm nay đi học có gì vui, rồi khi được điểm cao bố lại thưởng cho cái kẹo, cái bánh,… là tôi lại không kìm được nước mắt.
Thế nhưng, khi nhớ lại lời dạy của bố, tôi tự nhủ mình phải mạnh mẽ vượt qua, phải cố gắng học hành, giúp đỡ mẹ, nuôi dạy các em thành người. Sau đó, tôi quyết tâm hơn trong việc theo đuổi đam mê học Y và đã đỗ Đại học theo đúng nguyện vọng. Bố tôi cũng là người đã tiếp thêm động lực cho tôi trong quá trình học Thạc sĩ ở Trung Quốc bởi cứ nghĩ đến bố, nghĩ đến những kỳ vọng của bố là tôi lại không thể từ bỏ, chùn bước. Bố chính là người thầy, người bạn, người cha vĩ đại nhất trong tim tôi.
Vậy đó, tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình công chức giản dị, sống hiền hòa và luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau. Nhắc đến bố mẹ, tôi lúc nào cũng nghĩ đến những khoảng thời gian thời thơ ấu đong đầy kỷ niệm mà rưng rưng nước mắt.
Hiện giờ, mẹ tôi đã già và không còn minh mẫn nhưng bà vẫn vui mỗi lần con cháu tề tựu về thăm. Những tình cảm ấm áp, những thước phim thời gian còn trong vòng tay bố mẹ chắc chắn vẫn sẽ luôn in đậm trong tâm trí tôi chẳng thể phai nhòa.
Ở cái tuổi này, tôi cũng chỉ mong con cháu mình mai sau, khi nghĩ về mẹ, về bà của chúng cũng sẽ đong đầy tình yêu thương và sự tự hào bởi đó là thứ tình cảm thiêng liêng cao quý mà không gì có thể so sánh được.
Tìm hiểu thêm về tôi: Người chồng tuyệt vời
Ngày đăng: 17/09/2019 - Cập nhật lúc: 10:23 AM , 29/09/2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!