Người chồng tuyệt vời luôn ủng hộ tôi hết mình theo đam mê, sự nghiệp
Ông bà ta nói: “Vợ chồng đến với nhau là do cái duyên, ở với nhau còn phụ thuộc vào cái phận”. Đúng như vậy, trong suốt quãng thời gian sống với nhau, tôi luôn cảm thấy may mắn vì có một người chồng tuyệt vời, người đã luôn ở bên động viên, chia sẻ, tiếp thêm động lực để tôi có được cuộc sống như ngày hôm nay.
Tìm hiểu thêm: Về tôi bác sĩ Đỗ Thanh Hà: Người trao hạnh phúc!
Cuối tuần vừa rồi, con cái đi chơi hết, chỉ có hai vợ chồng ở nhà. Sau bữa cơm trưa bình dị, vợ chồng tôi ngồi uống trà, nói chuyện cuộc sống, rồi ôn lại những câu chuyện từ thời xưa. Nhớ lại khoảng thời gian mới cưới còn nhiều khó khăn đến giờ, tôi vẫn luôn cảm thấy biết ơn chồng mình rất nhiều.
Chồng là mảnh ghép hoàn hảo của đời tôi
Chồng tôi là một giảng viên trường Đại học Xây dựng, hơn tôi 6 tuổi, là một người đàn ông trưởng thành và chất phác đúng nghĩa. Anh hiền lành, giản dị, thật thà và có nhiều quan điểm sống giống tôi. Tôi với anh gặp nhau như một cái duyên. Anh là anh trai của cô bạn thân nhất của tôi. Và cũng nhờ cô bạn mai mối, tôi và anh quen nhau, yêu nhau từ lúc nào không biết.
Sau khi ra trường được 1 năm, năm 1983, tôi và anh kết hôn, lúc đó tôi 24 tuổi. Khác với nhiều bạn trẻ lúc bấy giờ và kể cả lớp trẻ hiện đại ngày nay, chúng tôi quyết định kết hôn mà không quá đặt nặng vấn đề tiền bạc, kinh tế. Với người khác, họ chỉ muốn lập gia đình khi đã có nhà cửa, có xe, có tiền bạc, có một khoản tiết kiệm. Nhưng lúc đó, tôi và chồng tôi kết hôn chẳng có gì trong tay.
Tôi khi ấy mới ra trường, mới được phân về bệnh viện Y học Cổ truyền Trung ương làm việc. Anh thì là giảng viên nhà nước, lương ba cọc ba đồng, kinh tế chỉ tạm ổn chứ không có gì dư giả. Ấy vậy mà chúng tôi vẫn quyết định cùng xây tổ ấm, cùng nhau cố gắng đi lên và nhận được sự ủng hộ của hai bên gia đình.
Có lẽ, để có thể đi đến quyết định đó là vì tôi nhận ra được điểm chung giữa tôi và anh. Anh là người có chí, cần cù, chịu khó. Hiếm có người đàn ông nào vì vợ, vì con được như anh. Tôi vẫn thường nói với bọn trẻ khi chúng còn chưa lập gia đình rằng tìm được một người chồng như bố thì dù phong ba bão táp nào cũng có thể vượt qua.
Chồng tôi, người bạn đời tuyệt vời
Trong cuộc sống hôn nhân, người ta thường nói “một túp lều tranh, hai trái tim vàng.” Tôi nghĩ điều đó đúng trong thời gian đầu cuộc sống hôn nhân của tôi.
Ngày ấy, chúng tôi quyết định xây tổ ấm mà không đặt nặng vấn đề kinh tế. Tôi chọn anh, kết hôn với anh không tính toán thiệt hơn, không mưu cầu danh lợi. Tôi vốn suy nghĩ đơn giản, vậy nên kết hôn với anh cũng đơn giản.
Lúc mới cưới, hai vợ chồng tôi chẳng có nhiều tài sản gì. Gia đình hai bên đều là công nhân viên chức nhà nước, bản thân chúng tôi cũng chỉ nhận được những đồng lương eo hẹp. Cuộc sống lúc ấy khó khăn, vợ chồng chỉ biết bảo nhau cố gắng tích góp.
Kết hôn được 1 năm thì tôi có đứa con trai đầu lòng (1984).Kinh tế khó khăn, chưa có nhà, tôi và chồng quyết định ở lại nhà mẹ đẻ. Là người đàn ông quan tâm, chia sẻ, anh không ngại “ở rể”, ngược lại luôn giúp tôi chăm mẹ như chính mẹ ruột của mình.
Hồi ấy, khó đến mức không có sữa cho con ăn, tôi còn phải xin viện trợ cấp từ chế độ của Nhà nước. Đến cái tã, bộ quần áo cũng phải đi xin chứ nào có tiền mua. Để có khăn xô cho con dùng, tôi phải xin mùng màn cũ ở bệnh viện về cắt, khâu mà thành. Nuôi con nhỏ tốn kém nên tiêu pha cái gì cũng phải tính toán, cân đo.
Tôi vấn nhớ ngày đó mình chỉ có 2 bộ quần áo mặc đi làm thay đổi. Lắm lúc, quần áo còn phải đi mượn để mặc. Đến cơ quan, tôi lại phải tranh thủ giặt đồ rồi phơi để có cái thay, khó khăn vô cùng. Nhìn các bạn trẻ bây giờ bầu bì còn có những bộ váy, bộ áo riêng để mặc, ngày thay đến vài bộ mà thèm. Đúng là, xã hội thời ấy khổ hơn bây giờ nhiều quá, thiếu thốn đủ đường.
Công tác được một thời gian, chồng tôi được nhà trường phân cho một căn nhà 6 mét vuông ở Phúc Xá. Căn nhà bé tí tẹo, ba con người sống trong đó, chật chội và bất tiện vô cùng. Nhiều lúc nhìn con nhỏ không có chỗ mà chơi, nhà cửa thì tuềnh toàng, chỉ có một cái giường, một chiếc tủ quần áo, tôi cũng tủi thân. Nhưng chồng tôi luôn ở bên động viên vợ khiến tôi cũng yên tâm hơn phần nào và cảm thấy được an ủi.
Vất vả, khổ sở, thiếu thốn là thế nhưng vợ chồng tôi luôn quan niệm phải tự đi lên. Bố mẹ hai bên cũng không có nhiều để hỗ trợ cho con cái, nhà đông anh em nên chúng tôi cũng muốn tự lập trên đôi chân của mình. Lúc đầu, chúng tôi lựa chọn xây dựng tổ ấm và cùng nhau cố gắng nên chồng tôi cũng kiên định đến cùng, nhất định không để bố mẹ lo lắng.
Rồi trời cũng không phụ lòng người. Đến năm 1990 trở đi, xã hội bắt đầu phát triển hơn một chút, cơ hội việc làm cũng nhiều hơn, dễ kiếm thêm thu nhập hơn. Lúc đó, chồng tôi đã thể hiện đúng bản lĩnh của một người đàn ông sẵn sàng vì vợ, vì con mà cố gắng không ngừng. Anh tự tìm kiếm cơ hội bằng cách nhận thiết kế, thi công bên ngoài để có thêm thu nhập cho gia đình. Mọi gánh nặng kinh tế, tiền bạc, chồng tôi nói để anh lo hết, tôi chỉ cần chú tâm vào việc đi làm ở viện và nuôi dạy con là đủ.
Khó khăn dần được giải quyết và nhờ tích cóp bao năm, chúng tôi cũng đã mua được một căn nhà nhỏ để cuộc sống được thoải mái hơn. Làm việc trong ngoài vất vả nhưng chưa khi nào tôi thấy chồng mình than vãn nửa lời mà luôn là cột trụ vững chắc cho vợ con. Lúc nào anh cũng giữ cho mình quan điểm: “Thà mình khổ 10 còn hơn để vợ mình khổ 1. Cuộc sống có thể nhìn lên không bằng ai nhưng chí ít nhìn xuống cũng không ở đáy.”
Chồng là người truyền động lực để tôi theo đuổi đam mê, sự nghiệp
Nói về chồng tôi, tôi luôn mang trong lòng sự biết ơn đặc biệt. Bởi anh là người luôn đứng sau tiếp sức cho tôi trên mỗi hành trình chinh phục một thử thách. Người ta thường nói người vợ là hậu phương vững chắc cho chồng trên con đường công danh, sự nghiệp. Nhưng với gia đình tôi, chồng tôi gánh vác được cả nghĩa vụ ấy với một sức mạnh, một sự hy sinh phi thường.
Năm 1992, tôi sinh bé gái thứ hai, cuộc sống gia đình bắt đầu bước vào giai đoạn ổn định về mọi mặt. Nhưng thời điểm ấy, tôi lại được cơ quan phân công, tạo điều kiện cho sang Trung Quốc học thạc sĩ 4 năm. Ngại con nhỏ, chồng bận rộn lúc đầu tôi đã có ý định chối từ. Tuy nhiên, được sự động viên hết lòng của chồng, năm 1995 tôi yên tâm nhập học.
Trong 4 năm học tập nơi đất khách, khó khăn duy nhất của tôi là vượt qua nỗi nhớ nhà, nhớ chồng nhớ con. Tại quê nhà, nghĩ tới cảnh mình anh lo cho con ăn học, đưa đón con, dạy con học thành người mà tôi day dứt thật nhiều. Thật may, nhờ sự dạy dỗ của anh, hai đứa trẻ đều ngoan ngoãn, dễ bảo, biết thương bố mẹ nên chồng tôi cũng bớt vất vả hơn phần nào.
Không chỉ lo việc nhà, lo con cái, chồng tôi còn phải chạy qua chạy lại lo cho bố mẹ. Trong thời gian tôi đi học ở Trung Quốc, bố chồng tôi bị bệnh nặng khó qua khỏi. Thời gian ấy quả thực là khó khăn cho anh khi vừa phải lo cho con, vừa phải thường xuyên chăm sóc bố. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn ứa nước mắt, vừa thương, vừa nể phục người bạn đời của mình.
Thời gian tôi ở bên đó, nhiều lúc suy nghĩ, trăn trở mà muốn từ bỏ, muốn về nhà với chồng, với con. Nhưng, vì để vợ không phải lo lắng mà mỗi lần tôi gọi điện về nhà hỏi han, chồng tôi không bao giờ kêu ca, than vãn lấy một lời. Anh thậm chí còn động viên ngược lại tôi, nói tôi yên tâm học hành, mọi việc ở nhà anh đều có thể lo liệu ổn thỏa. Nhờ vậy, tôi lại có thêm động lực và cảm thấy yên lòng hơn.
Mọi gánh nặng kinh tế, vấn đề tài chính trong nhà lúc bấy giờ, chồng tôi phải một mình cáng đáng. Tôi đi học xa nhà nên không hỗ trợ được gì. Thực sự lúc ấy, tôi rất thương chồng, thương con. Thương chồng phải gánh vác quá nhiều, phải đứng ra lo toan mọi việc cho hai bên gia đình. Thương con nhỏ mà đã phải xa mẹ, phải tự lập, tự chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng cuối cùng, mọi việc đều ổn thỏa và tôi luôn biết ơn anh đã là một chỗ dựa, một nguồn động lực to lớn để tôi nỗ lực cố gắng theo đuổi sự nghiệp, theo đuổi đam mê của mình.
Trong cách nuôi dạy con cái, vợ chồng tôi cũng đều chung quan điểm
Bản thân là một giảng viên nên chồng tôi có quan điểm rất tiến bộ trong việc nuôi dạy con cái. Anh luôn nghiêm khắc nhưng cũng không bao giờ áp đặt lên các con. Anh tôn trọng ý kiến của các con, sẵn sàng ủng hộ nếu điều đó là đúng và tốt, hướng đến những giá trị tích cực.
Cả tôi và chồng tôi đều cho rằng, việc giáo dục con cái là điều quan trọng nhất. Dạy con đạo đức, lý lẽ, dạy con coi trọng việc học tập, phát triển bản thân, độc lập, không sống phụ thuộc, dựa dẫm. Chúng tôi luôn coi trọng việc học tập của các con, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ các con trong việc học bởi theo nền nếp của cả hai bên nội ngoại, học hành là con đường duy nhất để sống tốt, sống có ích cho xã hội.
Có lẽ bởi vậy mà các con tôi cũng tự ý thức được, tự tạo cho mình cái nếp ngay từ bé. Con cái tôi đều học hành thành tài, đỗ vào các trường chuyên theo nguyện vọng và chưa một lần để bố mẹ phải lo lắng. Khi tôi còn học thạc sĩ ở Trung Quốc, chồng tôi cũng đã nuôi dạy, rèn giũa con rất tuyệt vời. Nhờ bố mà các con có tính độc lập từ bé, biết tự chăm sóc bản thân, chăm sóc người khác, biết nghĩ cho những người xung quanh và không bao giờ ỷ lại, dựa dẫm.
Anh không chỉ là một người chồng tuyệt vời, anh còn là người bạn đồng hành, là người cha đáng quý của tôi và các con. Tôi vẫn luôn nhắc về chồng tôi với một niềm tự hào khi có bất cứ ai hỏi tới. Với tôi, chồng tôi là điều may mắn nhất mà cuộc sống này ban tặng bởi tôi có anh cùng kề vai, cùng chia sẻ, cùng đồng hành trong mọi giai đoạn, biến cố của cuộc đời.
Thông tin bổ sung: Bác sĩ chữa khỏi bệnh Phụ khoa cho hàng nghìn người
Ngày đăng: 14/09/2019 - Cập nhật lúc: 10:24 AM , 29/09/2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!