Chăm sóc sau sinh thời kỳ hậu sản cần phải lưu ý những điều gì?

Hỏi: Cháu chào bác sĩ Hà, theo lịch dự sinh thì cháu còn gần một tháng nữa là đẻ rồi ạ. Cháu nghe nói nhiều trường hợp trong thời kỳ hậu sản có thể nguy hiểm cho người mẹ. Cháu cũng lo lắng nên muốn tìm hiểu vì nghĩ biết trước mà áp dụng thì tốt hơn. Xin bác sĩ tư vấn cho cháu cách chăm sóc sau sinh thời kỳ hậu sản.

(Lương Chi, 28 tuổi, Hà Đông)

Đáp:

Xin chào Lương Chi!

Sau khi sinh con, cơ thể người phụ nữ cần thời gian để hồi phục trở lại bình thường. Thời gian này kéo dài khoảng 6 tuần hay còn gọi là thời kỳ hậu sản. Đây là một giai đoạn quan trọng, bạn cần biết cách chăm sóc bản thân và nhận biết những dấu hiệu thường gặp cũng như dấu hiệu “lạ” cần lưu ý để đảm bảo sức khỏe cho bản thân cũng như cho em bé.

Giai đoạn hậu sản thường kéo dài khoảng 6 tuần. (Ảnh minh họa)
Giai đoạn hậu sản thường kéo dài khoảng 6 tuần. (Ảnh minh họa)

Thông thường trong giai đoạn hậu sản, nếu bạn cho con bú sữa mẹ hoàn toàn thì kinh nguyệt sẽ trở lại bình thường sau tháng thứ 6 hoặc muộn hơn một chút. Ngược lại nếu bạn không cho con bú hoàn toàn hoặc không cho con bú thì chỉ sau 4-6 tuần sau sinh, bạn sẽ có kinh trở lại.

Vài tuần đầu, bạn sẽ thấy nhiều chất dịch hay còn gọi là sản dịch chảy ra. Sản dịch có màu đỏ xuất hiện trong vòng 4 ngày sau sinh, sau đó chuyển sang màu hồng cho đến ngày thứ 9 sau sinh. Sản dịch chuyển sang màu nâu sẫm từ ngày thứ 10 trở đi, sau đó sẽ nhạt màu dần, ít đi và hết hẳn. Thông thường thời gian này sẽ kéo dài 2-4 tuần sau khi sinh.

Trong thời gian hậu sản bạn cần lưu ý giữ vệ sinh vùng sinh dục, hậu môn thật sạch bằng cách rửa nhẹ nhàng với nước sạch. Nên dùng vải xô sạch hoặc băng vệ sinh chất lượng để thấm sản dịch. Không nên thụt rửa sâu hoặc đặt vật gì trong âm đạo để tránh nguy cơ nhiễm trùng. Trong thời gian này bạn cũng không nên quan hệ vợ chồng bởi có thể gây nhiễm trùng.

Về chế độ sinh hoạt, nên đảm bảo ăn đủ chất, cung cấp đầy đủ nước cho cơ thể. Không nên ăn uống kiêm khem quá mức bởi như vậy không thể phục hồi cơ thể sau sinh và không đảm bảo được nguồn sữa cho con. Nên tranh thủ những lúc con ngủ để nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt. Ngoài ra, nên tập thể dục, đi lại nhẹ nhàng khoảng 15-20 phút mỗi ngày để sức khỏe nhanh chóng được hồi phục trở lại.

Khoảng 7-10 ngày sau khi sinh, bạn cũng nên đi khám tại những phòng khám uy tín xem cơ thể có gì bất thường hay gặp biến chứng gì không để có sự can thiệp kịp thời. Đặc biệt nếu thấy các dấu hiệu bất thường như liệt kê dưới đây, cần phải đi bệnh viện gặp bác sĩ ngay:

  • Lượng máu không giảm mà ngày càng tăng hoặc sản dịch chuyển sang màu đỏ tươi, hoặc có cục máu đông
  • Máu hoặc sản dịch chảy ra từ cửa mình có mùi hôi khó chịu
  • Sốt, đau bụng dữ dội hoặc đau tăng dần
  • Ðau, sưng, đỏ, có thể chảy dịch từ vết khâu (nếu bạn bị cắt khâu tầng sinh môn lúc đẻ hoặc phải mổ đẻ)
  • Ngất hoặc bất tỉnh
  • Nôn và tiêu chảy
  • Ðái buốt
  • Lợi và mặt trong mí mắt nhạt màu, móng tay trắng nhợt, mạch đập nhanh, thở hổn hển, mệt mỏi, hoa mắt, chóng mặt

Trên đây là một số lưu ý trong việc chăm sóc sức khỏe người mẹ sau sinh, thời kỳ hậu sản. Hi vọng sẽ có ích cho cháu.

Chúc cháu sớm mẹ tròn con vuông!

Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Thanh Hà

  • Trưởng khoa Phụ tại Trung tâm Thuốc dân tộc, nguyên Trưởng khoa Phụ - BV Y học cổ truyền Trung ương (14 năm giữ cương vị Trưởng khoa Phụ).
  • 40 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh về sản và phụ khoa bằng đông y

Liên hệ với tôi để được tư vấn

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?