Tai nạn nghề: Điều không bác sĩ nào mong muốn

Không riêng gì bác sĩ trẻ, ngay cả những bậc thầy về phẫu thuật, những người có nhiều chục năm kinh nghiệm trong nghề y cũng không thể chắc chắn mình thành công 100% hay mình sẽ không một lần mắc sai phạm trong đời.

Bài viết của tôi: Hãy bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương!

Tai nạn nghề không hề ít trong ngành y

Cũng giống như vấn nạn bạo hành bác sĩ trước đây tôi từng đề cập thì tai nạn nghề trong ngành y là một vấn đề nên được hiểu đúng và có cái nhìn tổng quan.

Hiện nay, chắc bạn theo dõi tin tức từ báo chí cũng nhận thấy rằng có rất nhiều vụ việc tai nạn nghề nghiệp trong ngành y, kể cả trong và ngoài nước. Từ các bệnh viện phụ sản, tim mạch cho đến bệnh viện đa khoa… ở đâu cũng gặp ít nhất một sự cố, tai nạn y khoa.

Tai nạn nghề trong ngành y hiện nay không quá xa lạ với chúng ta
Tai nạn nghề trong ngành y hiện nay không quá xa lạ với chúng ta

Dù bạn là bác sĩ trẻ, điều dưỡng, bác sĩ chuyên môn giỏi hay là các chuyên gia thì cũng khó có thể tránh khỏi những tai nạn nghề nghiệp. Nổi bật nhất gần đây có thể nhắc đến đó chính là vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương. Tai biến khi chạy thận đã khiến 9 người bệnh lần lượt tử vong. Bác sĩ đã phải lãnh án 30 tháng tù vì tội cố ý gây chết người.

Hay như vụ việc bác sĩ kéo đứt cổ trẻ sơ sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Đây là một trong những tai nạn nghề nghiệp trong ngành y gây xôn xao dư luận rất lớn cũng như khiến nhiều người đau xót vô cùng.

Hoặc những vụ việc tại nước ngoài đã được đưa lên báo chí từ rất lâu và được dư luận quan tâm như: Bác sĩ phẫu thuật đã để lại 16 thiết bị y tế trong người bệnh nhân; nha sĩ nhổ hết hàm răng của bệnh nhân; bệnh nhân ung thư bàng quang bị cắt bỏ dương vật và tinh hoàn…

Những sự việc này đã dấy lên hồi chuông cảnh báo, một bài học cho tất cả các bác sĩ, những người công tác trong ngành y đó là bất cứ khi nào, chỉ cần họ sơ xuất một chút là có thể xảy ra sự cố khó lường trước.

Tai nạn nghề nghiệp thì ở bất cứ ngành nghề nào cũng có, quan trọng là cách chúng ta nhìn nhận, dư luận nhìn nhận. Tôi nhận thấy rằng, ở thời đại hiện nay chỉ cần có một chút vấn đề về bác sĩ với bệnh nhân sẽ được chia sẻ nhanh chóng lên mạng xã hội đặc biệt là Facebook dù chưa biết rõ ngọn ngành. Điều này vô tình làm cho tính chất sự việc khác đi.

Sự phát triển của công nghệ thông tin thì rất tốt, nhưng đừng bị nó chi phối suy nghĩ cũng như cách nhìn nhận của bạn về xã hội, nghề nghiệp. Không bác sĩ nào muốn trong quá trình khám chữa bệnh lại gặp phải tai nạn. Đừng lên án họ nếu như bạn chưa hiểu rõ sự tình.

Bởi vì khi xảy ra tai nạn bác sĩ vừa phải đối mặt với rất nhiều thứ như sự an nguy của bệnh nhân, thái độ của người thân. Nếu bị áp lực quá lớn, “tấn công” từ dư luận họ có thể bỏ nghề, thậm chí là tự sát.

Có thể bạn quan tâm: Vấn nạn bạo hành bác sĩ hiện nay

Tai nạn nghề nghiệp thường bị lên án gay gắt và phát tán nhanh trên mạng xã hội
Tai nạn nghề nghiệp thường bị lên án gay gắt và phát tán nhanh trên mạng xã hội

Nói đến bác sĩ tự sát tôi lại nhớ đến một vụ việc xảy ra rất lâu từ cuối thập kỉ 90 của thế kỷ trước. Lúc đó internet chưa thực sự mạnh mẽ, dư luận cũng không lên án như bây giờ nhưng một bác sĩ của Bệnh viện Mắt Trung ương đã phải treo cổ tự tử tại nhà riêng vì nghi nhỏ nhầm thuốc cho bệnh nhân khiến bỏng giác mạc.

Bạn thấy đấy, ngành y chẳng sung sướng gì. Tôi đã từng nghe nhiều người nói nghề y là nghề “vòi tiền” của bệnh nhân, nếu vậy thì sao họ lại khổ, mà có khổ tí cũng không sao. Nhưng nào họ có biết bác sĩ phải chịu biết bao áp lực, nỗi khổ mà chỉ có trong nghề bạn mới hiểu.

Vì vậy, bạn, tôi, chúng ta, xã hội nên thông cảm cho bác sĩ, đừng quy chụp tất cả tội lỗi cho họ khi có tai nạn nghề xảy ra.

Bác sĩ cũng là người chứ không phải thần thánh

Tôi cũng nói rất nhiều lần với bạn bè, người thân, con cháu của mình rằng ngành y là một ngành nghề mang tính đặc thù, vừa gian nan vừa vất vả, đòi hỏi người thầy thuốc phải có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao.

Không phải vì là người làm trong ngành y mà tôi nói lên những nỗi khổ của mình để được thông cảm nếu như có những vấn đề không may xảy ra. Thật sự không phải mà đó chính là thực tế.

Nếu như các ngành nghề khác chỉ cần đào tạo 4 năm chính quy là có thể ra trường, ra đời để làm việc. Nhưng y khoa phải mất 5, 6, thậm chí là nhiều hơn để có thể hành nghề. Điều đó cho thấy, để mặc lên mình chiếc áo blouse trắng hay mang cho mình chức danh bác sĩ thực sự không dễ dàng một chút nào.

Chẳng hạn như tôi, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y Hà Nội, đến năm 1995 với sự yêu nghề cũng như muốn cống hiến cho nền y học nước nhà tôi đã đi học 4 năm thạc sĩ bên Trung Quốc.

Lúc đó con tôi còn nhỏ, bé lớn chỉ mới 11 tuổi và bé nhỏ chỉ 3 tuổi. Nếu ai làm mẹ cũng đều biết đó là lứa tuổi mà con cái cần mẹ nhất. Nhưng tôi phải xa chồng, xa con đi đến đất nước xa lạ học tập, nghiên cứu để có thể tự tin và tự hào hơn khi khoác chiếc áo blouse trắng cứu giúp người bệnh, nhất là các chị em phụ nữ.

Bạn phải hiểu rằng bất cứ ngành nghề nào chúng ta cũng nên và phải chấp nhận những rủi ro, nhất là nghề y, nghề liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người.

Tai nạn nghề thì bất cứ ngành nghề nào cũng có thể xảy ra không riêng gì y tế
Tai nạn nghề thì bất cứ ngành nghề nào cũng có thể xảy ra không riêng gì y tế

Chẳng hạn như: Kế toán sai lầm sẽ dẫn đến mất tiền, thâm hụt ngân quỹ doanh nghiệp; kỹ sư làm sai sẽ hỏng máy móc… Đó là một vấn đề tất yếu, khó tránh khỏi.

Thế nhưng, như tôi đã nói bác sĩ là nghề liên quan đến con người. Mất tiền thì ta có thể kiếm lại được, máy hỏng có thể sửa… nhưng người không còn thì ta không thể làm gì được. Bởi vậy mà nó mang đến một làn sóng dư luận rất lớn, tạo áp lực chẳng thể lớn hơn đối với mỗi bác sĩ, điều dưỡng viên, nhân viên y tế bình thường.

Tuy nhiên, nói đi cũng phải nói lại, bác sĩ cũng là người chứ nào phải thần thánh. Chúng tôi đơn giản là bác sĩ, là người thừa tác của nền y học. Mà nói thật là y học dù có tiến bộ đến đâu thì vẫn có giới hạn của nó, có những điều mà bạn tìm hiểu cả đời cũng không thể lý giải được.

Không nên đòi hỏi sự tuyệt đối từ từ ngành y, bạn cũng đừng đòi hỏi nụ cười luôn thường trực trên môi của đội ngũ nhân viên y tế giữa môi trường quá sức áp lực. Nếu đòi hỏi ngành y tính tuyệt đối thì bạn cũng nên đòi hỏi tính tuyệt đối ở những ngành nghề khác như tài xế, khí tượng thủy văn, phi công, nhà văn, nhà báo.

Tôi xin mượn lời bác sĩ Lê Thanh Phong – Bác sĩ Khoa phẫu thuật lồng ngực – mạch máu – Bệnh viện Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh để nói lên suy nghĩ của mình đó về vấn đề này đó là: “Nếu đem ra cân đo “sòng phẳng” giữa các ngành nghề thì sai lầm của một bác sĩ sẽ gây tàn tật hay tử vong cho một con người, trong khi sai lầm của những ngành nghề khác, mới xem qua thì đơn giản nhưng lại có thể gây cái chết cho nhiều người, thậm chí có thể gây nên sự “tàn tật” trong tư tưởng của cả một thế hệ, sự tồn vong của một dân tộc, một đất nước”.

Sao chúng ta không có cái nhìn thoáng hơn về nghề y, nhất là tai nạn trong nghề? Mỗi khi xảy ra vụ tai nạn nghề nghiệp trong nghề y tôi lại trăn trở. Trăn trở vì sao tình trạng này vẫn luôn xảy ra, một phần vì dư luận quá dữ dội nó khiến cho ai rơi vào hoàn cảnh đó lo sợ, tâm lý ảnh hưởng rất lớn.

Một phần vì đã có những trường hợp bác sĩ không thể chịu đựng được áp lực và đã tự sát, đơn cử là vụ bác sĩ treo cổ tự tử vì nghi ngờ nhỏ nhầm thuốc mà tôi nói ở trên.

Vậy, làm thế nào để hạn chế tai nạn nghề trong ngành y?

Chúng ta không thể tránh khỏi những rủi ro khi làm bất cứ công việc nào. Tuy nhiên, tôi nghĩ ngành nào cũng có thể hạn chế được điều đó. Riêng với ngành y, sẽ có người cho rằng việc hạn chế tai nạn nghề không dễ nhưng tôi tin chắc những người bác sĩ chân chính, thực sự yêu nghề hoàn toàn có thể làm được.

Điều đầu tiên bác sĩ, thầy thuốc, nhân viên y tế cần làm theo đúng quy trình. Ví dụ như Bộ Y tế đã ban hành quy định trước khi truyền máu phải thử nhóm máu, thử nhóm máu người cho người nhận, làm phản ứng chéo tại giường… Phải làm đúng quy trình mới hạn chế được những vấn đề tai nạn. Bởi vì chỉ cần người bác sĩ lơ đi một cái hay quên một cái là sẽ xảy ra nguy hiểm ngay.

Bác sĩ, nhân viên y tế cần làm theo đúng quy trình để giảm thiểu tai nạn nghề
Bác sĩ, nhân viên y tế cần làm theo đúng quy trình để giảm thiểu tai nạn nghề

Thứ hai, người bác sĩ phải thật cẩn thận và tập trung trong công việc. Không thể vừa làm vừa “mải chơi” hay bất cứ một công việc không liên quan. Chỉ cần sểnh đi một cái là bỏ sót đi một khâu nào đấy sẽ nguy hiểm đến tính mạng của người bệnh.

Thứ ba, bác sĩ phải được đào tạo một các bài bản. Dẫu biết rằng một người sẽ không được công nhận là một bác sĩ nếu như không được đào tạo bài bản, chính quy. Tuy nhiên, mọi điều đều có thể xảy ra nên cũng cần quan tâm đến yếu tố này để làm sao giảm thiểu mức tối đa những vụ việc tai nạn nghề nghiệp không đáng có.

Tôi hi vọng rằng, qua bài viết của tôi, góc nhìn của tôi – Bác sĩ Hà bạn đọc sẽ có cái nhìn đúng hơn về tai nạn nghề nghiệp trong ngành y. Chúng tôi không phải là thần thánh, chúng tôi chỉ là những người bác sĩ bình thường lấy sự yêu nghề, tâm huyết, trách nhiệm của mình để cứu chữa cho người bệnh. Mọi vấn đề tai nạn, tai biến hầu hết đều là ngoài ý muốn.

Nhân đây tôi cũng mong muốn rằng các cơ quan báo chí nên tìm hiểu sự việc trước tiên, đừng giật tít, câu view mà hãy phản ánh đúng với sự thật. Đứng trên lập trường của cả bác sĩ lẫn dư luận để định hướng đúng cho mọi người. Đừng đổ lỗi 100% cho bác sĩ, bởi chẳng ai muốn người bệnh của mình khỏe mạnh, hạnh phúc và vui vẻ hơn chính những bác sĩ chân chính cả.

Bài liên quan: Là bác sĩ chân chính: Đừng “vẽ bệnh” để móc túi bệnh nhân!

4.2/5 - (5 bình chọn)

Ngày đăng: 07/01/2019 - Cập nhật lúc: 10:31 AM , 29/09/2020

Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Thanh Hà

  • Trưởng khoa Phụ tại Trung tâm Thuốc dân tộc, nguyên Trưởng khoa Phụ - BV Y học cổ truyền Trung ương (14 năm giữ cương vị Trưởng khoa Phụ).
  • 40 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh về sản và phụ khoa bằng đông y

Liên hệ với tôi để được tư vấn 0989913935

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?