Người Việt đã thực sự hiểu về Đông y hay chưa?
Đông y hay còn gọi là Y học cổ truyền là nền y học cổ xưa, được hình thành ở phương Đông từ ngàn đời nay. Nhờ những bài thuốc Đông y mà con người đã phòng ngừa và chữa bệnh trong suốt thời kỳ lịch sử lâu dài từ hàng ngàn năm trước. Tuy nhiên hiện nay, có lẽ do sự du nhập mạnh mẽ của nền y học phương Tây (Tây y) với nhiều tiến bộ cùng với lối sống xa rời thiên nhiên nên Đông y có phần mờ nhạt. Vì vậy mặc dù vẫn tồn tại, phát triển từng ngày nhưng phần lớn người Việt mình vẫn chưa hiểu đúng và rõ ràng về Đông y. Bác sĩ Hà sẽ làm rõ để mọi người có cái nhìn đúng về Đông y trong bài viết này.
Chị em nên đọc: Đông y và Tây y: Bầu ơi thương lấy bí cùng
Bạn đã hiểu về Đông y?
Vì sao tôi lại đặt ra luận điểm này? Chúng ta đã nghe đến rất nhiều cụm từ “Đông y” nhưng trong số các bạn có ai hiểu rõ cũng như thực sự tìm hiểu Đông y là gì chưa? Tôi dám chắc nếu trong số 10 người thì chỉ có 3-4 người là thực sự tìm hiểu về nó, thậm chí là ít hơn.
Vậy, Đông y là gì? Có thể hiểu rằng Đông y là một thuật ngữ được sử dụng song song với Y học cổ truyền, nó được dùng để chỉ nền y học có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam xưa. Và nhờ đó bạn có thể phân biệt với Tây y.
Lý luận Đông y dựa trên nền tảng triết học cổ Trung Hoa gồm: Âm Dương, Ngũ Hành. Chỉ khi Âm Dương, Ngũ Hành cân bằng thì cơ thể chúng ta mới khỏe mạnh.
Nguyên tắc chữa bệnh của Đông y nhằm mục đích lập lại trạng thái cân bằng của các yếu tố này. Trong khi đó, Tây y lại dựa trên các kiến thức về giải phẫu, sinh lý, vi sinh…
Ngoài lý luận Âm Dương, Ngũ Hành thì cơ sở lý luận Đông y còn gồm học thuyết Thiên nhiên hợp nhất, học thuyết kinh lạc, bát cương, học thuyết tạng tượng.
Dù cho tạng tượng học Đông y có những điểm tương đồng với giải phẫu cũng như sinh lý học Tây y, nhưng các từ Hán Việt chỉ các tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận); phủ (vị, đởm, tam tiêu, bàng quang, tiểu trường, đại trường) mà bạn vẫn biết trong Đông y nó không đồng nhất với các từ chỉ cơ quan theo giải phẫu Tây y gồm (tim, gan, lách, phổi, cật, dạ dày, mật…).
Sỡ dĩ có sự khác biệt này đó là do Đông y có một hệ thống lý luận khác so với Tây y. Do đó, nếu chia tách cơ thể thành những bộ phận khác nhau rạch ròi chỉ là một sự khiên cưỡng, bởi vì cơ thể là một thể thống nhất.
Bạn cần biết rằng, đối tượng chính của Đông y không phải là bệnh, cũng không phải “chỉ đâu đánh đó” mà là con người. Vì thế mà trong chữa trị bệnh Đông y có một phương châm cơ bản mà bất cứ ai học Đông y cũng không được phép quên đó là “lưu nhân trị bệnh”.
Tức là trước hết để trị bệnh bạn phải giữ lấy mạng sống của con người, sau đó mới nghĩ đến vấn đề khống chế cũng như tiêu trừ ổ bệnh. Đó chính là điểm khác của Đông y mà Tây y gần như không có.
Đông y cũng không phải một loại thuốc có thể điều trị được cho nhiều người mắc cùng một bệnh lý mà phải theo biểu hiện của từng người mà sử dụng phép chữa, bài thuốc khác nhau. Cụ thể là theo nguyên tắc “Biện chứng luận trị” – Phỏng theo bệnh tình cụ thể ở từng người bệnh.
Theo đó, dựa trên các triệu chứng lâm sàng thì trăm người mắc cùng một bệnh có thể được chữa hàng trăm phương thuốc khác nhau. Tính cá nhân hóa ở Đông y rất cao, đã được hình thành từ khi nền y học này được ra đời.
Nền Y học cổ truyền (Đông y) Việt Nam cũng đang thực hiện theo đúng lý luận triết lý của Đông y. Hiện nay, tại nước ta Đông y được áp dụng ngày một nhiều hơn, ngoài “đi” đơn độc thì nhiều cơ sở y tế còn ”đi hai chân” – Đông Tây y kết hợp. Với những hạn chế về nhiều tác dụng phụ của thuốc Tây y thì nhiều người đang dần quay về với Đông y.
Họ mong muốn được điều trị với những phương pháp an toàn và cụ thể hơn giúp họ có một sức khỏe tốt hơn. Thực tế, có những bệnh lý mà Đông y hoàn toàn có thể giải quyết được và ngược lại.
Trách nhiệm của người thầy thuốc chính là tư vấn kỹ lưỡng để người bệnh biết nên điều trị Tây y khi nào, Đông y khi nào với bệnh lý nào.
Những suy nghĩ sai lầm về Đông y 90% người Việt mắc phải
Như tôi đã nói ở phần trên, Đông y là một nền y học lâu đời, cổ xưa. Tuy nhiên, dù tồn tại lâu dài, theo dòng chảy lịch sử nhưng phần lớn người Việt mình vẫn có cái nhìn chưa đúng và rõ ràng về Đông y.
Tôi có thể nêu ra một số những quan niệm chưa đúng, hay nói đúng hơn là có phần sai lầm của người Việt về nền y học này đó là:
Nói đến Đông y là nghĩ ngay đến Trung Quốc
Sở dĩ có quan niệm sai lầm này đó chính là nền y học Trung Hoa phát triển rất lâu đời và nó vô cùng lớn mạnh. Theo đó, khi nói đến Đông y thì hầu hết mọi người nghĩ rằng nó xuất phát từ Trung Quốc chứ không thêm một đất nước nào khác.
Thế nhưng, thực tế là Đông y có nguồn gốc cả ở Trung Quốc lẫn Việt Nam xưa. Như phần định nghĩa về Đông y ở đầu bài viết tôi có đề cập đó là “Đông y là một thuật ngữ được sử dụng song song với Y học cổ truyền, nó được dùng để chỉ nền y học có nguồn gốc Trung Quốc và Việt Nam xưa”.
Một trong những người đặt nền móng cũng như ông tổ của Đông y nổi danh khắp các nước phương Đông đó là Hoa Đà – thầy thuốc nổi tiếng thời cuối Đông Hán, đầu đời Tam Quốc.
Tài y thuật của ông lúc đương thời khó ai sánh bằng. Trong lịch sử ông đã từng chữa trị cho Lữ Bố khi bị gãy chân, chữa đau đầu nhiều năm cho Tào Tháo hay chữa bệnh cho Quan Vũ bằng cách mổ vai để nạo chất độc…
Hiện nay, khi có những thầy thuốc Đông y giỏi, chữa khỏi nhiều bệnh khó người ta thường hay gọi họ là “Hoa Đà tái thế”. Chỉ sự tinh thông y thuật cũng như tài ba giống như ông tổ của Đông y.
Còn tại Việt Nam, những thầy thuốc được xem là bậc tổ của nghề y Việt Nam mà chúng ta không thể quên đó chính là: Lê Hữu Trác hay còn gọi với tên Hải Thượng Lãn Ông – nay còn lưu truyền bộ Hải Thượng Y Tông Tâm Lĩnh được xem là sách căn bản của Đông y Việt Nam.
Và Tuệ Tĩnh (Tuệ Tĩnh Thiền Sư) – một lang y sống ở cuối thời Trần. Hậu thế tôn ông là tiên thánh của ngành thuốc Nam. Ông chính là tác giả của câu nói nổi tiếng “Nam dược trị Nam nhân” – thuốc nam dùng chữa bệnh cho người Nam.
Nhân đây tôi cũng nói rõ với bạn đọc đó là, thuốc Đông y chữa bệnh thông thường có hai loại thuốc Bắc và thuốc Nam. Có rất nhiều bệnh nhân tôi gặp không hề hiểu hai loại thuốc này như thế nào. Việc không hiểu cũng dễ khiến cho chúng ta có cái nhìn sai về thuốc Đông y.
Thuốc Bắc là những vị thuốc được khai thác và bào chế theo sách của Trung Hoa truyền sang. Nó được phát triển bởi các lương y người Việt.
Còn thuốc Nam, các vị thuốc này đều do các thầy thuốc khám phá trên lãnh thổ của Việt Nam. Thông thường thuốc được dùng ở dạng sắc, bào chế đơn giản là phơi/ sấy khô, thành phần chủ yếu là cây cỏ, thảo dược.
Đông y không thực hiện được các ca cấp cứu
Rất nhiều người nghĩ rằng, Đông y không thể tiếp nhận và thực hiện những ca bệnh cấp cứu. Nhưng thực tế hoàn toàn không phải vậy.
Vì nếu nói về Đông y Việt Nam thì bạn có thể khẳng định như vậy vì chúng ta vẫn chưa có các loại thuốc chuyên cho cấp cứu một số bệnh lý. Thế nhưng Đông y của Trung Quốc lại hoàn toàn có thể tiếp nhận.
Tôi lấy ví dụ: Các bệnh viện Đông y bên Trung Quốc có thể thực hiện các ca cấp cứu tụt huyết áp, mất nước nhanh chóng, dễ dàng và rất hiệu quả. Bởi họ đã bào chế ra được các loại thuốc tiêm truyền trong trường hợp cấp cứu rất hiệu quả.
Trong thời gian tôi đi học chương trình thạc sĩ tại Quảng Châu những năm 1995-1999, tôi có được biết Trung Quốc đã bào chế được các loại thuốc tiêm truyền. Đến nay, nền y học Trung Quốc ngày một phát triển thì tôi tin chắc họ hoàn toàn có thể đảm nhận được những trường hợp cấp cứu đúng chức năng của Đông y.
Thuốc Đông y không có tác dụng nhanh, cần điều trị lâu dài
Tôi thường nói với người bệnh của mình rằng, dùng thuốc Đông y cần phải kiên trì không được nóng vội nhưng nó không đồng nghĩa với việc bạn phải điều trị lâu dài. Không biết từ khi nào, chúng ta mặc định cứ dùng thuốc Đông y là phải điều trị lâu dài mới có hiệu quả.
Trên thực tế, không phải tất cả trường hợp bệnh điều trị thuốc Đông y cần thời gian lâu dài. Điều trị cần nhiều thời gian chỉ đúng với những bệnh cơ thể hư nhược, bệnh lâu năm, mãn tính. Có những trường hợp điều trị chỉ cần uống hết liệu trình thuốc, kiêng khem là đã đẩy lùi được bệnh.
Tôi lấy một ví dụ để bạn có thể hiểu rõ hơn dựa trên thực tế trị bệnh của tôi. Chẳng hạn trong thời kỳ thai sản, một số chứng bệnh Đông y điều trị rất nhanh để đảm bảo an toàn cho hai mẹ con như nôn nghén nhiều hay chứng ố trở. Tùy vào nguyên nhân thầy thuốc sẽ kê đơn thuốc khác nhau.
Hay như cảm cúm giai đoạn đầu thôi, bạn có thể chỉ cần cạo gió, dùng nước gừng là có thể khỏi bệnh. Còn rất nhiều bệnh khác dùng thuốc Đông y chữa trị mang về kết quả nhanh.
Có thể thấy rằng, từ trước đến nay dù chúng ta đã tiếp xúc với Đông y nhưng lại không hiểu đúng và rõ ràng. Chính những quan niệm chưa đúng này đã vô tình khiến cho Đông y “lép vế” trước Tây y.
Bác sĩ Hà hy vọng bài viết này có thể giúp bạn và phần lớn người Việt đang có cái nhìn chưa đúng về Đông y thêm hiểu hơn về nền y học cổ xưa này. Bởi con người thời hiện đại đang muốn trở về với thiên nhiên, tìm đến những cách chữa bệnh an toàn và đảm bảo. Và Đông y chính là cội nguồn, là phương pháp chăm sóc sức khỏe của chúng ta gần gũi và thân thiện nhất.
Có thể bạn quan tâm: Góc nhìn của bác sĩ Hà về vấn nạn bạo hành bác sĩ hiện nay
Ngày đăng: 28/08/2019 - Cập nhật lúc: 10:32 AM , 29/09/2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!