Hãy bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương!

Dù đã hơn 2 năm, vụ tai biến chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình của bác sĩ Hoàng Công Lương luôn khiến tôi băn khoăn, trăn trở mỗi khi tìm hiểu và đón nhận thông tin mới. Là một người làm việc trong ngành y, tôi tin rằng bác sĩ Hoàng Công Lương vô tội và mong rằng mọi người hãy cùng góp tiếng nói để bảo vệ chàng trai trẻ này.

Vụ việc không chỉ riêng của bác sĩ Hoàng Công Lương

Vụ án của bác sĩ Hoàng Công Lương đã diễn ra từ hồi tháng 5/2017. Cụ thể vào ngày 29/5/2017 khi 18 bệnh nhân đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Hòa Bình thì có dấu hiệu bất thường, 9 người lần lượt tử vong.

Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Vụ việc không phải chỉ riêng bác sĩ Lương
Vụ tai biến chạy thận ở Hòa Bình: Vụ việc không phải chỉ riêng bác sĩ Lương

Thời điểm đó, nguyên nhân khiến 9 người bệnh tử vong là do tồn dư HF (Axit Flohydric) trong quá trình làm sạch hệ thống. 

Tuy nhiên, sau nhiều lần nghiên cứu và kiểm tra lại có những nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng 9 bệnh nhân tử vong khi chạy thận nhân tạo. Một trong số đó là do đồng hồ dẫn điện bị sai số.  Mới đây là do van nước của hệ thống lọc nước bị hỏng nên khiến bệnh nhân nhiễm đa chất chứ không phải đơn chất như trước.

Rất nhiều tội danh được đặt cho bác sĩ Lương như “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” rồi đến “vô ý làm chết người”. Tại phiên phúc thẩm ngày 19/6/2019, bác sĩ Lương đã bất ngờ nhận tội và theo đó Hội đồng xét xử của Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định tuyên án bác sĩ Lương với mức án 30 tháng tù giam về tội vô ý làm chết người.

Trước đó, bác sĩ Lương đã làm đơn kháng cáo muốn minh oan cho mình bằng mọi giá. Vì vậy, quyết định chuyển từ đơn kháng cáo kêu oan thành nhận tội đã gây nên những bất ngờ.

Mọi người có thể sẽ có những câu hỏi cho bác sĩ như “vì sao lại không giữ nguyên kháng cáo đến cuối cùng” “sao lại nhận tội như vậy”… và rất nhiều câu hỏi khác.

Tuy nhiên, nếu theo dõi quá trình xét xử của vụ án thì không ai áp lực và mệt mỏi hơn bác sĩ Lương. Giả sử chính tôi ở trong vị trí đó thì tôi cũng sẽ chẳng đủ sức mạnh để đấu tranh. Bởi đơn giản khi bạn không rõ về pháp luật, những quy định của nó cộng với sự khó khăn, áp lực, khủng hoảng về tâm lý thì bạn sẽ chẳng thể giữ nổi cái lý trí cứng rắn.

Trong thời gian truy tố bác sĩ Lương đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về tâm lý. Anh đã bị trầm cảm và phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai một thời gian.

Chính vì điều này nên các bác sĩ đầu ngành, trong đó cả tôi đều hiểu và thông cảm cho bác sĩ Lương vì sao lại bất ngờ nhận tội để phải chịu 30 tháng tù chứ không phải chịu án treo. Từ một tội danh không hợp lý sang tội danh vô lý “vô ý làm chết người”.

Theo tình hình thực tế hiện nay thì sai phạm của ngành y tế hay bất cứ ngành nghề nào là đều có, không thể tránh khỏi. Về vụ việc của bác sĩ Lương có thể được xem đây là một “tai nạn nghề nghiệp” mà chẳng ai trong chúng ta muốn nó xảy ra, nhất là những người trực tiếp điều trị và tiếp xúc với bệnh nhân như bác sĩ Lương.

Tuy nhiên, cái khó ở đây chính là trước đây trong ngành y nước ta chưa có một tiền lệ như vậy, trên thế giới thì cũng chỉ có 1,2 trường hợp mà thôi. Sự việc này vô tình đã ảnh hưởng đến toàn bộ ngành y tế chứ không phải mình bác sĩ Hoàng Công Lương nữa.

Rất nhiều bác sĩ đầu ngành của nước ta đã thể hiện sự tiếc nuối của mình về vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương. Hầu hết mọi người đều bảo vệ cho bác sĩ trẻ này.

Điển hình như Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch vừa có tâm vừa có tầm, hay bác sĩ Nguyễn Quang Tuấn – Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội…

Trong đó tôi vẫn nhớ rất kỹ những câu nói mà bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đưa ra là: “Vụ án chạy thận nhân tạo ở Hòa Bình là việc tôi không hài lòng nhất năm 2018″.

PGs. Bs Nguyễn Liên Hiếu bày tỏ suy nghĩ về vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương
PGs. Bs Nguyễn Liên Hiếu bày tỏ suy nghĩ về vụ việc của bác sĩ Hoàng Công Lương

Bác sĩ cũng cho biết thêm đây là vụ án tốn giấy mực nhất của ngành Y mà ông được biết cho đến nay. Vụ án này được quan tâm của toàn thể dư luận xã hội và nhất là những người công tác trong ngành y khoa Việt Nam.

Tôi xin mượn lời của bác sĩ Hiếu để nói lên nỗi lòng của mình: “Bản án của bác sĩ Hoàng Công Lương chính là bản án tinh thần đối với những người công tác trong ngành Y Việt Nam. Hay nói cách khác thì đây chính là một bản án “treo” lơ lửng trên đầu của tất cả các nhân viên y tế Việt Nam đang trực tiếp hành nghề khám chữa bệnh, trong đó có cả tôi.

Mặt khác, nếu như trong một cuộc phẫu thuật, các can thiệp đòi hỏi sự chính xác rất cao, chỉ một thao tác không chuẩn có thể gây ra biến chứng ảnh hưởng đến tính mạng bệnh nhân. Liệu lúc đó bác sĩ có bị quy vào tội Vô ý làm chết người hay không?

Nếu thế chắc chắn chúng tôi sẽ không dám mổ những ca phức tạp, nguy cơ tử vong cao nữa. Các bệnh viện đặc biệt ở tuyến dưới sẽ chuyển hết lên tuyến Trung ương còn tuyến Trung ương lại chuyển trả về… nhà vì ai mà dám đụng vào để “đi tù mọt gông”.”

Những lời nói của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu thực sự khiến tôi trăn trở và suy nghĩ mỗi đêm. Đơn giản chính tôi cũng là một bác sĩ, làm việc trong ngành y  lâu năm, tiếp xúc với nhiều bệnh nhân, nhiều trình trạng bệnh khác nhau.

Vụ án này sẽ khiến cho rất nhiều y bác sĩ cảm thấy lo lắng cho chính công việc của mình. Họ dễ có tâm lý né tránh, lo sợ khi làm việc, bởi nếu làm sai quy trình hoặc bất cẩn rất nhỏ thì sẽ bị lên án ngay lập tức, thậm chí là đứng trước vành móng ngựa chứ chẳng chơi.

Hãy bảo vệ bác sĩ Hoàng Công Lương

Với thời gian hoạt động trong ngành y gần 40 năm, tôi chưa thấy có một vụ việc phức tạp nhiều tranh cãi trong ngành y đến vậy. Nhưng tôi tin chắc rằng, những ai theo dõi vụ án của bác sĩ Lương như tôi hay Đại biểu Quốc Hội Nguyễn Lân Hiếu cùng nhiều người khác đều sẽ thấy tiếc cho bác sĩ trẻ tuổi này.

Căn cứ vào nhận xét của người nhà bệnh nhân thì bác sĩ Lương là một người trẻ, có y đức. Chính vì vậy một số gia đình có người tử vong đã có đơn xin giảm nhẹ hình phạt cho nam bác sĩ khi vụ án này được xét xử.

Tử vong trong quá trình điều trị thì người thân của bệnh nhân sẽ là người đau khổ nhất. Bởi vì dù có làm mọi cách thì người đã chết cũng không thể sống lại. Không thể.

Nhưng có lẽ bởi vì thời gian ở bệnh viện còn dài hơn ở nhà nên người nhà bệnh nhân hiểu được các bác sĩ ở đây, đặc biệt là bác sĩ Lương là người như thế nào. Một bác sĩ có y đức thì tinh thần, cái tâm sẽ được thể hiện ngay tại chính hành động chăm sóc người bệnh. Điều này lại càng khiến cho tôi cảm thấy tiếc hơn cho bác sĩ Lương. 

Là một bác sĩ tôi thực sự cảm thấy tiếc cho bác sĩ Hoàng Công Lương
Là một bác sĩ tôi thực sự cảm thấy tiếc cho bác sĩ Hoàng Công Lương

Có nhiều người thắc mắc rằng sau khi thi hành án bác sĩ Hoàng Công Lương có tiếp tục được hành nghề hay không? Về vấn đề này theo Sở Y tế tỉnh Hòa Bình cho biết, nếu như bác sĩ Lương chứng minh mình có đủ các điều kiện theo quy định sau khi thực hiện án tù thì sẽ được cấp lại chứng chỉ và tiếp tục được hành nghề.

Tuy nhiên, nói đi vẫn phải nói lại, việc một bác sĩ có tiền án trong khám chữa bệnh tiếp tục hành nghề sẽ phần nào gây ra tâm lý nghi ngờ, nhất là người nhà bệnh nhân.

Vì vậy, tôi mong rằng các cơ quan có liên quan hãy điều tra và tìm ra nguyên nhân chính xác và rõ ràng nhất dẫn đến tai biến chạy thận nhân tạo làm 9 người chết tại Hòa Bình.

Bác sĩ Hoàng Công Lương là bác sĩ y đức, là người dân tộc thiểu số được đào tạo chuyên ngành y khoa một cách bài bản thì tôi tin chắc bác sĩ có cái tâm nghề nghiệp. Tuy nhiên, do trong quá trình làm việc với quy trình cũ, không nghiêm ngặt, hơi chủ quan, tin tưởng đồng nghiệp đã khiến cho việc điều trị vấp phải những tai nạn không đáng có.

Từ đây tất cả các y bác sĩ trong ngành y cũng cần phải thận trọng, lấy bác sĩ Hoàng Công Lương làm gương và là bài học quý cho mình để làm việc cẩn thận và an toàn hơn.

Tôi cũng muốn gửi vài lời đến các bác sĩ trẻ hiện nay đó là “hãy làm việc với cái đầu tỉnh táo”. Ngành y là nghề liên quan đến con người, liên quan đến cái tâm, cái tình. Nếu có vấn đề không hay xảy ra bạn sẽ phải gánh trách nhiệm rất nặng, thậm chí là ân hận cả cuộc đời còn lại.

Chị em cùng đọc:

5/5 - (1 bình chọn)

Ngày đăng: 27/06/2019 - Cập nhật lúc: 9:40 AM , 09/10/2020

Thạc sĩ - Bác sĩ Đỗ Thanh Hà

  • Trưởng khoa Phụ tại Trung tâm Thuốc dân tộc, nguyên Trưởng khoa Phụ - BV Y học cổ truyền Trung ương (14 năm giữ cương vị Trưởng khoa Phụ).
  • 40 năm kinh nghiệm khám chữa bệnh về sản và phụ khoa bằng đông y

Liên hệ với tôi để được tư vấn 0989913935

Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Tư vấn
Bạn cần tư vấn?