Góc nhìn của bác sĩ Hà về vấn nạn bạo hành bác sĩ hiện nay
Hôm nay, tôi vừa hay tin một đồng nghiệp của mình ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận bị người nhà bệnh nhân bạo hành. Là một người bác sĩ tôi vô cùng lo lắng cho sự an toàn của những người khoác áo blouse đang thực hiện sứ mệnh “chữa bệnh cứu người”. Với góc nhìn của mình, trong bài viết này tôi mong muốn truyền tải sự đồng cảm, chia sẻ giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ để có được môi trường khám chữa bệnh đảm bảo và an toàn nhất.
Ngày 20/7/2019 một bệnh nhân nhập viện tại khoa Nội 3 của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Thuận và do diễn tiến bệnh nặng nên bệnh nhân được cho thở oxy.
Trong quá trình thăm bệnh, điều dưỡng Nguyễn Thị Duy Loan (33 tuổi) phát hiện dây oxy bị tuột nên đến gần bệnh nhân để sửa lại. Nhưng bất ngờ, con của bệnh nhân đã lao vào đánh tới tấp vào mặt và đầu khiến cô ngã gục xuống sàn.
Khi được nhiều người can ngăn, thanh niên này người nồng nặc mùi rượu mới cho biết là do hiểu nhầm, tưởng nữ điều dưỡng rút ống thở nên bức xúc.
Theo thống kê của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, số vụ bạo hành bác sĩ xảy ra từ năm 2010 đến hết 2017 là 22 vụ trên cả nước đã được cơ quan công an thụ lý.
Trong đó có 70% nạn nhân là bác sĩ, điều dưỡng 15%, điều đáng chú ý là có tới 90% vụ bạo hành xảy ra khi bác sĩ đang thực hiện cấp cứu, chăm sóc người bệnh và 60% vụ xảy ra khi bác sĩ đang giải thích bệnh nhân, người nhà. Và đầu năm 2019 tình trạng này vẫn rất báo động.
Thông qua sự việc này tôi vừa bức xúc vừa lo ngại về vấn nạn bạo hành bác sĩ hiện nay. Bởi chúng tôi – những người bác sĩ luôn mong muốn những điều tốt đẹp đến với bệnh nhân. Ấy vậy mà, trong lúc bác sĩ tiến hành thăm khám, chăm sóc, thậm chí là giải thích quy trình thôi cũng có thể bị đe dọa đến sự an toàn của bản thân.
Vì sao vấn nạn bạo hành bác sĩ lại diễn ra ngày càng tăng?
Bạo hành bác sĩ ngày càng có dấu hiệu gia tăng cho chúng ta thấy rất nhiều vấn đề. Chắc bạn cũng sẽ đồng ý với tôi một phần là không tự nhiên mà người nhà bệnh nhân lại tấn công bác sĩ.
Trên thực tế, xã hội chúng ta sẽ có người này người kia, có những người nóng tính, khi biết người nhà bị bệnh, do nóng ruột đã không kiềm chế được nên đã hành động “lỗ mãng”.
Tuy nhiên, nếu bạn đứng ở vị trí người thứ ba thì đừng hoàn toàn đổ lỗi hết cho bác sĩ cũng như người thân bệnh nhân. Tôi – bác sĩ Hà thực sự rất buồn khi có một số bộ phận người tiếp nhận tin tức đã đánh đồng quan điểm là “không có lửa làm sao có khói” – tức là bác sĩ không làm gì thì người nhà bệnh nhân làm sao có thể đánh, chửi, thậm chí là sát hại bác sĩ.
Thực tế, nguyên nhân khiến vấn nạn hành hung bác sĩ có rất nhiều, nó không hề đơn giản. Đứng trên lập trường của một bác sĩ tôi cho rằng một số nguyên nhân gây nên bạo hành bác sĩ đó là:
– Lối hành xử không chuẩn mực của người nhà bệnh nhân:
Tôi không nói đến trình độ dân trí ở đây, bởi nó không ảnh hưởng quá nhiều đến vấn đề này. Mà chính là lối hành xử ở bản thân mỗi người chưa thực sự chuẩn mực. Nóng nảy, thiếu kiên nhẫn, cộng với tâm lý lo lắng cho người nhà họ đã không thể kiểm soát được những gì đang diễn ra và những gì mình làm.
– Ảnh hưởng của rượu bia, chất kích thích:
Vì sao tôi lại đưa ra nguyên nhân này, đó là vì đã có rất nhiều vụ bạo hành bác sĩ mà người nhà bệnh nhân đã dùng bia, rượu, chất kích thích. Đơn cử là vụ tấn công bác sĩ điều dưỡng tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định hồi tháng 7 vừa qua mà tôi nó ở trên.
– Sự kỳ vọng quá nhiều vào bác sĩ:
Về nguyên nhân này tôi sẽ mượn lời của bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – khoa Cấp cứu Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương đó là: “Vào bệnh viện, người ta mong muốn thầy thuốc phải làm mọi thứ theo kỳ vọng chứ không phải điều kiện thực tế, bác sĩ cùng lúc cấp cứu, điều trị cho nhiều người chứ không riêng một mình họ nên khi không đạt được kỳ vọng đó rất dễ bức xúc. Họ nghĩ rằng đó không phải từ mẫu và dễ dàng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”.
– Không hiểu quy trình làm việc:
Người nhà bệnh nhân cho rằng mình vào trước sẽ được khám trước. Tuy nhiên, với phòng cấp cứu thì ca bệnh nặng nếu vào sau vẫn sẽ được cấp cứu trước vì đó là nguyên tắc. Nhưng người nhà lại không hiểu, có tâm lý bức xúc, phản ứng vô cùng gay gắt.
– Từ phương pháp, quy trình làm việc tại cơ sở y tế:
Có rất nhiều trường hợp bạo hành bác sĩ tại bệnh viện có nguyên nhân là do phương pháp làm việc. Có thể là thời gian thăm khám lâu, phải chờ đợi, cấp cứu…
Có thể thấy rằng, có vô số những nguyên nhân gây ra hành động bạo hành bác sĩ ngay tại cơ sở y tế. Trong bất cứ hoàn cảnh nào chúng ta cũng cần phải xem xét một cách khách quan. Không phải cứ bạo hành bác sĩ là lỗi của người nhà bệnh nhân và ngược lại cũng không phải do bác sĩ làm việc tắc trách, thái độ phục vụ không tốt.
Nên nhìn mọi thứ theo góc nhìn đa diện, từ đó chúng ta mới có cách giải quyết tối ưu và tốt nhất, đảm bảo cho một nền y tế lành mạnh và an toàn đối với người dân, và cả bác sĩ.
Nên đồng cảm thay vì trách móc, lên án nạn bạo hành bác sĩ
Như tôi đã đề cập ở trên có rất nhiều nguyên nhân khiến cho nạn bạo hành bác sĩ diễn ra như hiện nay. Tuy nhiên thay vì cứ trách móc, lên án sao ta không phân tích kỹ hơn, đứng vào vị trí của nhau, cảm nhận để có cái nhìn đúng đắn nhất.
Trong xã hội hiện nay, nhiều người thường quy chụp “tội lỗi” cho những ai gây ra các cuộc tranh cãi hay bạo hành. Điển hình như vấn nạn bạo hành bác sĩ phần lớn lỗi sẽ thuộc về người nhà bệnh nhân.
Với vấn nạn này tôi lại cảm thấy sự đồng cảm nhiều hơn thay vì trách móc và lên án bất cứ ai, đặc biệt là người nhà bệnh nhân.
Đồng cảm vì tôi hiểu được lý do vì sao người nhà bệnh nhân làm vậy. Đơn giản điều này xuất phát từ sự lo lắng của họ cho người thân khi đang phải chịu sự đau đớn, nguy kịch, thậm chí là cận kề giữa sự sống và cái chết. Nhưng với những trường hợp bạo hành bác sĩ vì đã sử dụng chất kích thích như rượu bia thì điều này cần được khắc phục và có chế tài cứng rắn để răn đe.
Đồng cảm vì những thủ tục, quy trình thăm khám tại các bệnh viện, cơ sở y tế đang còn nhiều bất cập. Chính vì điều này khiến cho người nhà bệnh nhân trở nên thiếu bình tĩnh, lo lắng lên cao, kết quả là họ nóng giận rồi nặng lời, nghiêm trọng nhất là hành hung bác sĩ ngay tại chính bệnh viện.
Đồng cảm cho thái độ của bác sĩ đối với bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân đôi khi không được chuẩn mực để dẫn đến những “hệ lụy” không hay. Chắc hẳn bạn cũng sẽ cảm nhận được khi đến bệnh viện rất ít bác sĩ tươi cười, hay nhiều người nói đùa rằng “mặt đằng đằng sát khí’. Đó không phải là họ ghét bạn đâu mà chính là sự áp lực, căng thẳng của môi trường làm việc cần sự chính xác cao, không được sai sót bất cứ công đoạn nào nó in hằn lên gương mặt của họ.
Ở môi trường như vậy, họ không thể lúc nào cũng nở “nụ cười năm sao” với bất cứ bệnh nhân nào khi phải tiếp xúc với rất nhiều người trong một ngày. Do vậy mà có một số bác sĩ không kiềm chế được đã tỏ thái độ khó chịu với bệnh nhân, quát tháo khiến người nhà cảm thấy bị coi thường.
Một khi đã chọn nghề y thì tất cả bác sĩ đều mong muốn bệnh nhân của mình khỏe mạnh, không bị bệnh tật làm phiền, từ đó có cuộc sống tốt hơn. Tôi cũng vậy, lĩnh vực của tôi là điều trị bệnh sản phụ khoa nên tôi luôn mong chị em không bị bệnh phụ khoa, có một gia đình hạnh phúc thực sự.
Tôi hi vọng rằng mỗi cá nhân, cộng đồng cần có những hành xử chuẩn mực, đồng thời cũng đồng cảm với những khó khăn, áp lực của người bác sĩ. Bởi chỉ khi đứng vào vị trí của họ bạn mới biết được có bao nhiêu khó khăn, bao nhiêu áp lực.
Cuối cùng, trong thời gian tới tôi mong rằng vấn nạn bạo hành bác sĩ sẽ không còn tiếp diễn. Mỗi cá nhân (bệnh nhân, người nhà và bác sĩ) hãy lan tỏa giá trị nhân văn, sự yêu thương giữa người với người để bệnh viện vẫn là nơi an toàn và tràn ngập yêu thương với tất cả người bệnh.
Chị em cùng tìm hiểu:
Ngày đăng: 22/07/2019 - Cập nhật lúc: 9:45 AM , 09/10/2020
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!